Ký ức chiến trườngTruyện nhiều kỳ
Bay trong lửa đạn (Kỳ I)
Bay trong lửa đạn (Kỳ I)
KingBeeMan & Lãng Tử
LNÐ: Gần 30 năm sau chiến tranh Việt Nam, những tài liệu mật về cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ Miền Nam lần lượt được chánh phủ Hoa Kỳ phổ biến. Do đó người ta được biết nhiều hơn về những chiến sĩ vô danh trong những trận chiến vô danh, nhưng thật khốc liệt. Ðây là câu chuyện kể lại của một người trong cuộc về những chuyến bay thả biệt kích dọc theo "Ðường Mòn Hồ Chí Minh" của Phi Ðòan 219. Phi Ðoàn này được các biệt kích và các phi công của cả Việt Nam và Hoa Kỳ biết dưới danh hiệu "King Bee".
Khởi thủy của Phi Ðoàn là một Biệt Ðội Trực Thăng xử dụng 3 chiếc trực thăng H34 được thành lập ở Nha Trang để thi hành công tác xâm nhập và triệt xuất các toán biệt kích Delta thuộc Lực Lượng Ðặc Biệt Việt Nam hoạt động sâu trong lòng địch ở Vùng II và III Chiến Thuật. Vài tháng sau đó Biệt Ðội thứ hai cũng được thành lập ở Ðà Nẵng để họat động trong Vùng I Chiến Thuật. Phi hành đoàn đầu tiên T/U Phan Thế Long, T/U Nguyễn Bảo Tùng và Th/S Bùi Văn Lành đã hy sinh vì công vụ ngày18/10/1965 tại vùng Khâm Ðức trên đó có Th/T Larry Thorne của Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ (Green Berets). Sau hơn 30 năm tìm kiếm, di hài của 4 người đã được tìm thấy, và tháng 8 năm 2003 vừa qua, Hoa Kỳ đã long trọng làm lễ mai táng cả 4 người trong cùng một quan tài ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Washington D.C. với lễ nghi quân cách, như một hành động nhìn nhận sự chiến đấu hào hùng của Phi Ðòan 219 "King Bee", nói rộng ra là của các chiến sĩ Không Quân cùng các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Biệt Ðòan 83 "Thần Phong" được thành lập vào năm 1964 với Chỉ Huy Trưởng là Ðại Tá Nguyễn Cao Kỳ, gồm các Biệt Ðội Khu Trục nổi tiếng với các phi vụ "Bắc Phạt", Biệt Ðội Vận Tải thi hành những phi vụ tối mật thả dù điệp viên và các toán biệt kích ra Bắc, và Biệt Ðội Trực Thăng đảm trách phi vụ mật, thả các toán biệt kích dọc theo "Ðường Mòn Hồ Chí Minh" xuất phát từ các căn cứ Khe Sanh, Tà Bạt, A Shau, Khâm Ðức thuộc Vùng I, Dakpek, Ben Het, Dakto, Ðức Cơ, Plei Jereng, Tieu Atar, Bandon, Ðức Lập thuộc Vùng II, và BuPrang, Quản Lợi, Sông Bé thuộc Vùng III.
Những phi vụ mật này chỉ mới được phổ biến gần đây sau thời gian 25 năm mà luật pháp Hoa Kỳ định cho thời kỳ bảo mật hồ sơ. Tuy nhiên các hành động oai hùng của các anh hùng trong Biệt Ðoàn cũng đã được nhắc nhở tới từ thập niên 60 cho đến nay về các huyền thọai của cuộc chiến Việt Nam như các phi công Phạm Phú Quốc, Vũ Khắc Huề của các phi vụ Bắc Phạt, Luân Cowboy, Hùng Mustachio (Hùng Râu Kẽm), Khôi Ðen, An Cào Cào, Tưởng Khùng v.v... của những phi vụ dọc theo Ðường Mòn HCM...
Biệt Ðội Khu Trục thi hành các phi vụ "Bắc Phạt", được ít lâu phải đình chỉ vì áp lực từ phía Hoa Kỳ. Các phi vụ xâm nhập miền Bắc do Biệt Ðội Vận Tải (Cò Trắng) thực hiện cũng giảm sút khi OPLAN 34A bị thay thế bằng OPLAN 35 của Hoa Kỳ. OPLAN 35 nhằm kiểm sóat sự xâm nhập của Bắc quân theo "Ðường Mòn Hồ Chí Minh", do đó hai Biệt Ðội Trực Thăng được sát nhập lại vào năm 1966 dưới sự chỉ huy của Ð/U Hồ Bảo Ðịnh để thành lập Phi Ðòan 219 "Thần Phong Long Mã", và thêm vào đó một số các nhân viên phi hành từ các Phi Ðòan 211, 213, 215, 217 tình nguyện về phục vụ để đưa tổng số nhân viên theo đúng cấp số Phi Ðòan.
Ðợt cải tổ toàn diện lần thứ hai khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh giải tán Biệt Ðoàn để cô lập hóa Tướng Kỳ, các Biệt Ðội Khu Trục và Vận Tải được trả về đơn vị gốc, và Phi Ðoàn 219 được đưa về trực thuộc Không Ðòan 41 tại Ðà Nẵng vào tháng 5 năm 1968 và tiếp tục giữ nguyên nhiệm vụ yểm trợ OPLAN 35. Ð/U Hồ Bảo Ðịnh được thay thế với Th/Tá Ðặng Văn Phước (cấp bậc và chức vụ sau cùng là Ðại Tá Không Ðòan Trưởng KÐ 51).
Lần cải tổ toàn diện lần thứ ba xảy ra vào mùa Hè 1972, Th/Tá Nguyễn Văn Nghĩa được lệnh di chuyển Phi Ðoàn về Nha Trang, trực thuộc Sư Ðòan II Không Quân, khi đó Hoa Kỳ đã chấm dứt OPLAN 35. Trong 2 năm cuối Phi Ðoàn có 3 vị PDT lần lượt là Tr/Tá Nguyễn Văn Nghĩa, Th/Tá Huỳnh Văn Phố, Tr/Tá Phạm Ðăng Luân. Từ khi về Nha Trang, nhiệm vụ Phi Ðoàn thay đổi, không còn thi hành nhiệm vụ hoạt động ngoại biên nữa mà lãnh trách nhiệm họat động trong Vùng II Chiến Thuật. Tuy nhiều phi công đàn anh rời Phi Ðoàn vào lúc này, nhưng các phi công trẻ mới về phục vụ cũng không để mất đi truyền thống hào hùng của một đơn vị huyền thọai.
Gần 30 năm sau cuộc chiến, tôi mới có dịp ngồi ôn lại dĩ vãng để ghi lại những dòng chữ này, nhớ đến các Anh trong Phi Ðòan 219, từ những người đã anh dũng hy sinh nơi chiến trận, cho đến những người còn lại quê nhà cũng như những người đang sống xa quê hương trên cùng khắp mặt địa cầu này. Các Anh luôn sống mãi trong tim tôi. Những vui buồn, đau thương, mất mát của những năm sống bên "nỗi chết không rời", bây giờ nhìn lại quả thật là những năm "đẹp" nhất trong đời mà tôi không bao giờ quên được.
Tôi về trình diện Phi Ðoàn 219 vào giữa tháng 5 năm 1968 sau khi hoàn tất khóa Cơ Phi tại Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang cùng với 5 người bạn cùng khóa. Khi đó Phi Ðoàn vừa hoàn tất đợt cải tổ lần thứ hai, được tái phối trí trực thuộc Không Ðòan 41 vì Biệt Ðoàn 83 được lệnh giải tán. Sau khi trình diện Th/Tá Phi Ðoàn Trưởng Ðặng Văn Phước, chúng tôi được giao lại cho hai vị Trưởng Toán Cơ Phi (Chief Mévos) là Ch/u Phan Văn Tưởng & Ch/u Hồ Văn Nguyên để được hướng dẫn về cách làm việc của Phi Ðòan. C/U Tưởng tuy đã lớn tuổi và có rất nhiều giờ bay nhưng ông vẫn không sờn lòng bay bổng, ông rất vui vẻ và thương mến chỉ dẫn chúng tôi, trong khi đó C/U Nguyên ít nói khó tính và không còn đi bay nữa.
Qua hôm sau chúng tôi được đi cắt đi bay ngay vi lúc đó Phi Ðoàn đang thiếu Cơ Khí Viên Phi Hành (gọi tắt là Cơ Phi hay "Mevo" từ tiếng Pháp "Mécanique de Vol", trong khi đó người Mỹ dùng danh từ "Flight Engineer"), sau một tuần đi bay liên lạc và huấn luyện, chúng tôi được cho thả hành quân.
Hơn 4 năm đồn trú tại Ðà Nẵng, tôi không thể nào quên những cơn nắng cháy da và những cơn gió Lào nóng như cát rang trong chảo của mùa hè ở Miền Trung, rồi khi mùa mưa tới, những cơn bão với gió thổi mạnh đến cả trăm cây số giờ thổi bay tất cả nhà, và những trận mưa dầm gây lụt lội khắp nơi. Bay ở trên cao tôi nhìn xuống thấy nước ngập che phủ nhà cửa, cây cối, lâu lâu có một vài căn nhà trên đồi còn sót lại trơ trọi như những hòn đảo nhỏ. Khi mùa rét tới, bầu trời trần mây thấp, che kín ảm đạm u sầu, ai nấy co ro trong những cơn gió lạnh ẩm sũng nước, luồn qua áo quần như cắt da, cắt thịt.
Kỷ niệm đầu đời đi bay của tôi là phi vụ liên lạc với anh Ðinh Quốc Thinh. Tôi chưa biết đọc phi lệnh, nên không biết là phi vụ cất cánh thật sớm nên cứ tà tà "xây chừng sịt tẩy" cho đến khi Nghiêm chạy ra báo phi cơ sắp cất cánh chỉ thiếu cơ phi. Tôi hoảng hồn chạy ra bỏ quên cả ấn tín (hộp quẹt Zippo và bao thuốc Capstan). Ra tới nơi cánh quạt phi cơ đang được "engaged" từ từ lấy trớn quay. Tôi sợ quá cứ bài vở thi hành, trước khi bay phải làm tiền phi, bèn mở nắp nhớt ra để kiểm tra, thì lập tức nhớt trong bình phun ra đầy mặt và quần áo, rất may mà mới mở máy chứ không bị phỏng nặng rồi. Anh Thinh vội leo xuống và đẩy tôi lên máy bay, trong lúc trời còn tối, rồi nói: "Ði lên nhanh lên, Kỹ Thuật nó ra, trông thấy nó cười chết!", và anh Thinh bay thẳng sang căn cứ Non Nước của Biệt Kích Lôi Hổ nằm gần hòn núi Ngũ Hành Sơn ngó ra bãi biển Mỹ Khê. Trong lúc mọi người vào ăn sáng, tôi ở ngoài "parking" cởi quần áo tắm giặt bằng xăng, nên cũng chỉ trong chốc lát thôi là sạch và khô ngay, sau đó tôi mới vào "mess hall" (phòng ăn) ăn sang chờ phi vụ. Tôi nhìn quanh thấy có nhiều người nhìn tôi vì người tôi bốc lên toàn mùi xăng và tay tôi thì khô mốc trắng lên.
Thời đó một Phi Hành Ðoàn H-34 "Choctow" chỉ có 3 người, Trưởng Phi Cơ, Hoa Tiêu Phó, và Cơ Phi kiêm nhiệm Xạ Thủ Phi Hành xử dụng Ðại Liên M60, về sau khoảng giữa năm 1972, Phi Ðoàn mới chuyển sang bay UH-1 "Huey", lúc đó có thêm Xạ Thủ Phi Hành thủ một khẩu M60 ở cửa bên kia. Phi Ðoàn 219 chuyển sang UH-1 sau các Phi Ðoàn khác 2 năm, vì Trực Thăng H-34 tuy nặng nề, cồng kềnh, khó bay nhưng lại rất thích hợp với các phi vụ đặc biệt này vì nó có thể chịu đạn được, nhiều khi phi cơ bị trúng đạn nặng nề mà vẫn có thể đáp khẩn cấp an toàn được để chiếc bay "air cover" (còn gọi là "chase ship") nhào xuống cứu kịp.
Tai nạn đầu tiên xảy ra cho tôi vào ngày 5 tháng 10 năm 1968 khi đi bay chiếc số 2 trong Phi Hành Ðoàn (PHÐ) với hai anh Nguyễn Tấn Trọng và Phạm Ngọc Sâm, sau chiếc "lead" của PHÐ Anh Phan văn Thanh và trước chiếc số 3 của PHÐ anh Nguyễn Tấn Hiền. Các Trưởng Phi Cơ vào Phòng Hành Quân "briefing", còn chúng tôi ăn sáng trong "Club" chờ. Ngày hôm đó chúng tôi được lệnh thả 1 toán 7 người phía Tây Ashau. Anh Thanh bay chiếc đầu thả 4 còn Anh Trọng chiếc thứ nhì thả 3 "troops". Anh Hiền bay "air cover". Khi Anh Thanh xuống, ở dưới địch quân bắn lên dữ dội, nhưng Anh Thanh chẳng nghe gì cả tiếp tục thả (mọi người vẫn thường gọi anh là Thanh Ðiếc), rồi tới lượt chiếc thứ nhì tiếp tục xuống thả 3 "troops" còn lại. Khi anh Trọng thả xong, vừa cất cánh bay vòng để lấy hướng đi lên thì tôi thấy rõ ràng có mấy tên địch chạy ra bắn theo và phi cơ bị bắn trúng mấy phát nghe bộp... bộp... Lúc đó tôi thấy chùm giây điện trước cửa phòng hành khách bị cháy, tôi vội tháo một găng tay ra đập còn một găng kia tôi chụp vào chùm giây dập tắt nó ngay, nhưng chưa kịp mừng thì ở dưới tiếp tục bắn lên, trúng ngay trước chân tôi. Tôi trông thấy rõ ràng sàn tàu mở ra trong khoảnh khắc, rồi xăng phụt lên, tôi vội đạp lên chặn không cho xăng phụt ra cháy, thì tầu liền bị thêm một phát đạn nữa, tôi thấy bộ phận "transmission" truyền lực cho cánh quạt ở trên đầu bắt đầu chảy nhớt. Tôi báo cáo tình trạng cho anh Trọng biết, anh nói: "Bịt nó lại!!!", nhưng làm sao bịt được lỗ đó, vừa to lại vừa nóng. Anh Trọng tìm hướng đáp khẩn cấp, khi xuống tới đất, cỏ voi cao hơn cả máy bay. Anh Trọng từ trên "cockpit" cao nhảy xuống và chạy rất nhẹ nhàng (hình như anh có võ thì phải), còn anh Sâm nhảy xuống vội chụp cây đại liên và kêu tôi ôm giây đạn chạy theo anh. Thật là khó chạy vì cỏ rất dầy và cao mà giây đạn thì có khía nên cứ giật người lại, lại còn nghe địch bắn theo cóc... cóc... cóc... và tiếng đạn bay trên đầu nghe rào... rào... rào... Anh Hiền bay trên theo dõi chúng tôi chạy và lao xuống rước. Trời ơi máy bay cao thế mà anh Trọng nhảy lên dễ dàng (đúng là anh có võ thật), còn tôi và anh Sâm leo lên mãi không được. Anh chàng "Medic" người Mỹ trên máy bay và thằng Năng bèn lôi tôi và anh Sâm lên. Anh Sâm lập tức nhảy đến bên hông cửa sổ rút súng "rouleau" ra chỉa xuống, thấy vậy tôi cũng bắt chước núp bên cửa sổ trên móc Colt 45 ra lên đạn và cũng chỉa xuống, nhưng khi lên đạn, cơ bẩm chạy ra giữa, thôi chết hết đạn rồi. Tôi quê quá tiu nghỉu ngồi xuồng ghế, thật là lính mới tò te. Sau đó Anh Thanh gọi khu trục đến oanh tạc phá hủy máy bay. Khi về đến Phi Ðoàn, Th/Tá Ðặng Văn Phước Phi Ðòan Trưởng và Ð/T Nguyễn Văn Khánh Không Ðoàn Trưởng ra bắt tay ba người về từ đỉnh núi, rồi thưởng mỗi người một ly rượu mạnh. Buổi chiều Th/Tá Phước dẫn toàn bộ Nhân Viên Phi Hành trong Phi Ðoàn ra nhà hàng Việt Nam bên bờ sông Hàn khoản đãi. Sáu tháng sau, ngày 31 tháng 12 năm 1968 tôi nhận được một huy chương Phi Dũng Bội Tinh với Cánh Chim Ðồng theo Quyết Ðịnh số 1108/TTM/TQT từ phi vụ này. Sau tai nạn này tôi được thăng cấp Hạ Sĩ kể từ ngày 09 tháng 08 năm 1968 do Quyết Ðịnh số 13903/PCHC ngày 26 tháng 11 năm 1968.
Tai nạn thứ hai đến với tôi ngày 30 tháng 11 năm 1968 khi đi bay với PHÐ anh Nguyễn Văn Minh và anh Hướng Văn Năm. Chúng tôi 4 chiếc King Bees do anh Huỳnh Văn Phố chỉ huy với các Trưởng Phi Cơ (TPC) 3 chiếc sau theo thứ tự anh Nguyễn Văn Minh, anh Tôn Thất Sinh, anh Nguyễn Kim Huờn. Trong lúc "stand by" tôi đi vào nhà vệ sinh, nói là nhà vệ sinh cho sang, nhưng thật ra chỉ có hai miếng gỗ bắc ngang thùng phuy để ngồi chồm hổm lên, phía dưới đựng dung dịch hóa học cho bớt hôi đi, chung quanh có mấy tấm ván che ngang vai lòi đầu ra ngòai. Tôi ngồi trút bầu tâm sự thì anh Năm vào phòng cầu kế bên, thò dầu ra nói chuyện với tôi. Hai anh em tâm sự nhiều. Anh Năm hỏi nhiều về gia đình tôi, tôi không ngờ đây là lần tâm sự cuối cùng của anh Năm. Ðang nói chuyện thì chợt nghe thấy tiếng H.34 sành... sạch... Ngoài đường, Anh Năm la lên: "Chết rồi! Bay! Bay!". Thế là hai anh em vội vàng ngưng việc vệ sinh, vội kéo áo bay lên, rồi thật lẹ làng phóng ra phía cổng. Anh Năm người dong dỏng cao và chay thật nhanh, thế là Phi Vụ bắt đầu.
Lượn một vòng 4 chiếc C H.34 lần lượt đáp xuống Phi Trường Cam Lộ, gọi là PT nhưng đây chỉ là một đường đất mới làm phẳng và hai bên còn đang đào cống rãnh ngổn ngang. Sau một lát "leader" vào Bộ Chỉ Huy (BCH) họp và lấy lệnh hành quân trở ra, các Trưởng Phi Cơ chụm nhau lại bàn tính, cuối cùng quyết định để Anh Tr/u Nguyễn Kim Huờn ở lại, chỉ có 3 chiếc đi thôi, vì đây là một phi vụ đặc biệt, thả một tù binh Bắc Việt về đơn vị gốc của họ, và phía Mỹ đã "contact" với địch quân, họ đã đồng ý sắp xếp vị trí đáp ở khu vực gần đường mòn 922 Hạ Lào. Anh Huờn ở lại theo yêu cầu của anh Minh (còn gọi là Minh Bánh Bèo). Khoảng 14 giờ ba chiếc H-34 lần lượt cất cánh và trong giây lát chỉ còn là những chấm nhỏ rồi mất hút tận chân trời... Còn lại ba thầy trò Huờn - Long (đen) - Mẫn, anh Huờn tâm sự: "Tôi là bạn thân của thằng Minh, vì tôi mới ra Phi Ðoàn có vài ngày, và đây cũng là phi vụ đầu tiên ở 219 nên thằng Minh nó không muốn tôi đi nên nó đã tình nguyện bay thế chỗ của tôi".
Cho tới khoảng 16 giờ 30, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng H-34 và chỉ thấy có một chiếc bay về, mọi người giật mình và cảm thấy hoang mang, lúc đó mây bắt đầu xuống thấp, và chúng tọi cứ nghĩ là hai chiếc còn lại đang ở trên mây, nhưng chỉ có anh Phố đáp xuống, anh cho biết khi anh đáp xuống thả tù binh, hai chiếc H-34 của anh Minh & Sinh bay "air cover" ở trên trời. Vì anh Minh và anh Sinh bay vòng chờ quá xa LZ (Landing Zone - Bãi Ðáp), đi ra ngòai vùng ấn định, vì lý do bảo mật nên khu vực khác của địch quân không biết sự giao ước này, vì thế họ bắn phòng không lên và trúng phi cơ của anh Minh. Anh Phố nhìn thấy phi cơ anh Minh xịt khói trắng và đâm nhào xuống đất gẫy làm ba khúc, và chỉ trông thấy một nón trắng văng ra. Anh không nhận nghe một tín hiệu cấp cứu nào cả, ở dưới địch quân bắn lên như đan lưới. Biết không thể làm gì được, anh ra lệnh bay về, nhưng anh Sinh không chịu, nhất định ở lại tìm kiếm. Mọi người chờ đợi ở căn cứ Cam Lộ, thật là sốt ruột và lo lắng. Mãi đến 17 giờ 30, trời vừa hơi sẩm tối, chúng tôi mới nghe tiếng máy bay từ xa vẳng lại, nhưng vì mây phủ nên không thấy đâu cả. Anh Phố vội lên mở vô tuyến và liên lạc, thi thấy anh Sinh mờ mờ trong đám khói mây, vừa kịp chui xuống thì mây bít lại. Anh Sinh tỏ vẻ rất "upset" vì đã không cứu được PHÐ anh Minh, anh Năm.
Anh Sinh kể lại khi anh Minh bị bắn rớt, anh bay lượn nhiều vòng lúc xuống thấp, lúc lên cao, cố gắng xem có ai còn sống sót, ở dưới đạn bắn lên cứ như mưa, anh liên lạc vô tuyến cứ gọi rồi lại gọi xem anh Minh hoặc anh Năm có còn ai trả lời không, nhưng vẫn bặt vô ấn tín, cuối cùng thất vọng anh đành quay trở về. Nhưng khi trở về thì mây đã kéo ra bít kín, cứ thế anh cưỡi mây nhắm hướng trở về. Anh Sinh cũng may mắn thoát chết nhờ một lỗ hổng nhỏ chui xuống đáp, nếu không xăng đã gần cạn vì bay quá lâu tìm kiếm và mây phủ không thấy đất thì không biết sẽ như thế nào. Khi về tới Ðà Nẵng, anh Huờn vừa kịp ký "Circuit d'Arrivée" về Phi Ðòan 219 lại vội vã ký "Circuit de Départ", anh đi để tránh nỗi ám ảnh đau thương mà một người bạn vì thương anh đã thế chỗ cho anh, chắc hẳn anh còn phải nhớ mãi điều này.
Ðầu năm 1969, PHÐ Nguyễn Thanh Liêm, Bạch mạnh Hùng, Lợi bị bắn cháy máy bay tại vùng hành quân A Shau - A Lưới. Khi rơi xuống, anh Liêm và anh Hùng bị phỏng nhẹ, địch quân phát hiện máy bay rơi bèn đến ngay lập tức. Họ dùng mã tấu phát cỏ để truy tìm. Mevo Nguyễn Văn Lợi chạy một nẻo, hai Pilots chạy một nẻo. Hai anh bị mã tấu phát cỏ ngang đầu, cố nằm rạp xuống để tránh bị phát hiện, vì cỏ cao và dày nên địch quân không tìm được, chỉ nghe họ chửi đổng: "Mẹ bố nó! Mới rơi đây mà chúng nó đã chạy đâu mất rồi!". Rồi họ cũng sợ bị phát hiện và bị máy bay oanh kích, nên bỏ đi ngay. Cũng chính vì điều này khi máy bay vòng chờ suốt buổi sáng cho đến trưa để tìm hai anh mà không thấy, mãi mới đón được hai anh "pilots", nhưng vẫn chưa thấy Mevo Lợi đâu cả. Cho đến gần xế chiều mới tìm ra Mevo Lợi. Sau chuyến này hai "pilots" được đưa về nằm bệnh viện dưỡng thương, rồi sau đó về Bộ Tư Lệnh Không Quân nhận nhiệm vụ mới, còn Mevo Lợi được nghỉ phép vài ngày để ổn định tinh thần vì không bị thương. Nhưng Mevo Lợi đã đi phép đến vài tháng, sau phải rời Phi Ðoàn.
Tháng 3 năm 1969, PHÐ Nguyễn Văn Du - Lê Long Sơn - Hồ Ðắc Bình bị bắn rơi gần đỉnh "Leghorn", một căn cứ truyền tin điện tử bí mật đặt trên đỉnh núi cheo leo, rất khó tấn công nằm trên đất Lào phía Ðông cao nguyên Bolovens, ngó xuống trục lộ chính của hệ thống Ðường Mòn HCM. Bị địch quân đuổi bắt, anh Du chạy và bị bắn chết, còn anh Sơn (Sơn đen), và Mevo Bình bị bắt. Họ sợ hai người này chạy nên bắt cởi bỏ giầy đi chân không, trời ơi đau vô cùng. Chuyến này Anh Trần Văn Phước (Phước Ðạo Dừa) làm "leader".
Ngày 4 tháng 4 năm 1969, PHÐ Tôn Thất Sinh - Vũ Tùng - Phương nhận phi vụ vào tiếp tế cho một Team ở Ngã Ba Biên Giới qua khỏi Leghorn. Tin tình báo cho biết địch quân rất đông nằm chắn ngang đường bay, vì thế chỉ có một đường vào là phải bay vòng qua một dãy núi rất xa mới đáp tiếp tế được. Khi tiếp tế xong, anh Sinh quyết định bay thẳng không đi vòng nữa, khi bay ngang nơi địch quân như đã được báo, ở dưới bắn phòng không lên như mưa, cuối cùng anh báo trên vô tuyến: "Tao bị thương rồi", và máy bay anh đâm nhào xuống đất, cháy ngay lập tức. Hỏa lực địch quân rất mạnh không thể nào tiến sát chỗ anh rơi được, phải chờ cho đến khi phi tuần khu trục phản lực F4 Phantom của Mỹ đến giải tỏa bớt được hỏa lực địch, các máy bay đi cứu cũng chỉ bay lại gần thôi, vì hỏa lực địch quân vẫn chống trả, trên cao quan sát thấy máy bay của anh chỉ còn lại phần động cơ phía trước như cái cùi bắp, còn lại hoàn toàn cháy rụi.
Tháng 5 năm 1969, PHÐ Trần Văn Phước (Ðạo Dừa) - Copilot ? - Trần Tuấn Năng thả "team" gần Leghorn khi đáp xuống bị bắn, Mevo Năng bi thương nơi cánh tay và bàn tay trái, may mắn một viên đạn trợt ngang mắt kinh Rayban làm gãy gọng, nhưng nhờ vậy nên viên đạn trợt ra ngoài, Năng được giải ngũ từ dạo đó. Trong thời gian này, những phi công Hoa Kỳ của Phi Ðoàn Trực Thăng Võ Trang Cobra 361 PINK PANTHER đi theo hộ tống (escort) yểm trợ hỏa lực đã chứng kiến tận mắt, nên đã hết lời tán dương Phi Ðoàn 219 KINGBEE và Ð/U Trần Văn Phước trong bài viết trên tạp chí HAWK của Không Lực Lục Quân Hoa Kỳ (Army Aviation).
Tháng 5 năm 1969, PHÐ Crossman - Thái - Toàn bị tai nạn ở vùng Bạch Mã. Major Crossman là một phi công phản lực của KQ/HK, ông không rành về bay trực thăng, nhưng khi về làm cố vấn Phi Ðoàn 219, ông được các Anh Huấn Luyện Viên tập bay. Ông rất thông minh nên tiếp thụ rất nhanh, sau một thời gian gần một năm trời, ông bay tập chuyên cần và đã ra được Trưởng Phi Cơ. Ông bay vững, và phải nói ông là người rất tốt, và có đạo đức, được mọi người quý mến và nhớ mãi. Th/u Thái cũng vừa về Phi Ðoàn chưa bao lâu, và đến Mevo Tr/s I Toản, cũng vừa chân ướt chân ráo từ Phi Ðoàn 215 ra. Nhân có một phi vụ rước "Team Local", ông Crossman muốn đi thử một chuyến, nhưng khi nhận được chi tiết và địa điểm ở Núi Bạch Mã thì anh Nghĩa và anh Phố khuyên ông không nên đi vì vùng này gió xoáy và "turbulence" đánh dữ lắm. Nhưng ông Crossman cứ khăng khăng đòi đi, đúng như dự đoán khi ông bay đến nơi vừa "hover" để Mevo Toản thả thang giây xuống cho "team" leo lên, thì "turbulence" đánh dữ dội. Ông không còn điều khiển phi cơ được, phi cơ bị gió hút xuống, ịn ngay tại chỗ. Mevo Toản vì mới ra Phi Ðoàn nghe nói là đi hành quân thường bị bắn, nhưng anh cũng không biết đây là "team local" ít đụng địch, nên anh không đứng mà nằm xuống sàn tàu, khi tầu đập xuống đất anh bị dập ngực xuông sàn và chết ngay. Sau đó Phi Ðoàn yêu cầu Không Quân Hoa Kỳ mang máy bay CH-53 Jolly Green, loại này rất mạnh và to lớn hơn H-34, đến lấy hai "Pilots và Team" ra. Khi chiếc CH-53 đến nơi, họ "hover" thả "hoist" (máy thả giây) xuống kéo từng người một lên, ông Crossman nhường cho Th/u Thái lên trước nhưng khi "hoist" kéo anh Thái gần lên đến máy bay thì chiếc CH.53 này cũng không chịu nổi gió xoáy nên cũng bị rớt xuống ngay, thật không may cho anh Thái, phi cơ rơi xuống và đè chết anh. Lúc đó buộc lòng Major Crossman phải theo "Team" đi đường bộ về, sau này ông Crossman rất ân hận vì đã không nghe lời anh Phố, ông xin về nước với nỗi ân hận khôn nguôi.
Tiếp theo bay trong lữa đạn Kỳ 2